Hội viên chính thức

English

BÀN VỀ QUẢNG CÁO NHÂN ĐỌC CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG


Đọc các nội dung quảng cáo đính kèm câu hỏi của bạn đọc, có lẽ ai cũng sẽ tự hào về sự phát triển của lĩnh vực phẫu thuật làm đẹp ở Việt Nam hiện nay và càng tin tưởng hơn vào trình độ chuyên môn, tay nghề “thượng thừa” của các bác sĩ thẩm mỹ Việt Nam. Kết quả phẫu thuật thẩm mỹ hoàn hảo như trong các quảng cáo ấy, luôn luôn là niềm mơ ước, là đích phấn đấu của các phẫu thuật viên trên toàn thế giới chứ không riêng các Bác sĩ Việt Nam. Đó chắc chắn cũng là niềm mong mỏi, là hy vọng tối cao của những khách hành bệnh nhân đi làm đẹp. Những quảng cáo như vậy sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, khiến họ quan tâm và tìm hiểu. Nhưng hàm lượng sự thật và độ tin cậy của các quảng cáo lại là chuyện khác. Làm sao để người đọc bình thường có thể  đánh giá được mức độ trung thực của các quảng cáo là một việc khó. Ngay cả đối với chúng tôi là những người làm chuyên môn trong lĩnh vực này  cũng thấy không phải dễ dàng khi lượng định giá trị sự thật của những quảng cáo này. Tuy nhiên để giúp bạn đọc vượt qua những khó khăn này chúng tôi xin nêu lên một số yếu tố để các bạn tham khảo. Các yếu tố này bao gồm một số qui định mang tính pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước và một số tiêu chí mang tính nhận định khách quan, làm cơ sở để đánh giá một nội dung quảng cáo.

Về mặt pháp lý:

-    Cơ sở y tế trong quảng cáo đó có được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề Phẫu thuật thẩm mỹ hay không ?

-    Bác sĩ phẫu thuật trong đó có chứng chỉ hành nghề Phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp hay không ?

-    Nội dung quảng cáo có quá phạm vi qui định trong Giấy phép hành nghề hay không ?

-    Những kỹ thuật mới, nhất là kỹ thuật chuyển giao từ nước ngoài đã được Bộ Y tế cho áp dụng ở Việt Nam chưa ?

-    Những Bác sĩ nước ngoài ( kể cả  Bác sĩ Việt kiều ) tham gia tư vấn và phẫu thuật có được sự cho phép của cơ quan chức năng ( Y tế và An ninh) hay không ?

Những qui định này được cấp phép và hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước ngành y tế ( Sở Y t ế và Phòng Y tế quận huyện).

Việc xem xét các quảng cáo có hợp pháp hay không, có quá phạm vi hành nghề  hay không thuộc quyền của cơ quan quản lý với sự cố vấn về lĩnh vực chuyên môn của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ.

Về nhận định khách quan:

-    Hội phẫu thuật thẩm mỹ là Hội chuyên môn nghề nghiệp và quản lý các Hội viên là tất cả các Bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn về Phẫu thuật thẩm mỹ nên có đủ khả năng để xem xét các nội dung quảng cáo về tính khoa học, sự đúng đắn khách quan về chuyên môn kỹ thuật.

-    Hội cũng có thể nhận định được những nội dung quảng cáo đó có phù hợp  với điều kiện cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của cơ sở y tế đó hay không và có phù hợp với qui định pháp lý hay không ?

-    Hội cũng có thể xác định được trình độ khả năng chuyên môn của phẫu thuật viên trong quảng cáo về nguồn gốc đào tạo, bằng cấp chuyên môn, quá trình đào tạo nâng cao và đào tạo liên tục, trình độ tay nghề chuyên môn kỹ thuật.  

-    Người đọc cũng có thể nhận định được phần nào năng lực chuyên môn và năng lực thẩm mỹ của Bác sĩ trong quảng cáo qua lời văn  và cách thức quảng cáo. (Ví dụ: trong quảng cáo của cơ sở 167 Chu Văn An, Phường 26, Bình Thạnh có ghi: thắt eo lưng ong - kéo thẳng băng bụng và rốn (bi nhon). Ở đây ngoài sự bình dân trong lời lẽ còn có sai  sót về chữ nghĩa. Có lẽ quảng cáo muốn dùng chữ mi-nhon theo tiếng Pháp (mignonne) nhưng lại viết thành bi nhon nên vô nghĩa.

-    Có thể các quảng cáo không có biểu hiện quá phạm vi hành nghề nhưng lời lẽ có sự khoa trương, lộng ngôn, thiếu tính khách quan khoa học như không có sẹo; sau 6-10h bạn có bộ ngực đẹp, về nhà sinh hoạt bình thường; chỉnh sửa hoàn hảo các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bị hư; nâng ngực nội soi có sẹo nhỏ hơn nâng ngực bình thường v.v…

-    Có thể có trường hợp hoặc nhiều trường hợp kết quả như trong quảng cáo, nhưng chắc chắn không thể là tất cả. Và dù bác sĩ nào đó có cho rằng mình làm được tất cả như thế thì vẫn không được phép quảng cáo khẳng định như thế một khi chưa có số liệu báo cáo khoa học được công nhận.

-    Những quảng cáo trong các lĩnh vực khoa học , đặc biệt là ngành y tế là khoa học liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, sự trung thực và tính khoa học được đặt lên hàng đầu và không có ngoại lệ. Ở nước nào quảng cáo cũng bị soi xét và xử lý nghiêm ngặt. Xin nêu một ví dụ : Chúng ta đều biết Omega-3 là một acid béo có lợi, một loại mỡ tốt, có tác dụng ngăn ngừa các bệnh mỡ máu và tim mạch, giúp cho sư phát triển hệ thần kinh, ngăn ngừa các rối loạn tâm thần kinh, có tác dụng tốt cho cơ thể, đang được sử dụng ngày càng phổ biến dưới dạng thực phẩm chức năng. Nhưng các công ty sản xuất Omega-3 của Mỹ đã bị cơ quan quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA xử phạt vì đã dùng chữ “brain-boosting power” (tạm dịch là “sức mạnh phát triển trí não”) khi quảng cáo tác dụng của Omega-3 mà không kèm theo bằng chứng khoa học để chứng minh. Bởi vì như vậy không chỉ là thiếu tính khoa học mà còn là thiếu trung thực, gây ngộ nhận ảo tưởng cho người đọc và như vậy cũng có nghĩa là có vấn đề về y đức, nếu không muốn nói là thiếu y đức. Như vậy kiểm soát quảng cáo là nhằm bảo đảm tính khoa học và sự trung thực khách quan, cũng chính là để bảo vệ quyền lợi của khách hàng bệnh nhân và bảo vệ chính quyền lợi của Bác sĩ khi hành nghề.

-    Tuy nhiên trong thời đại bùng nổ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như ngày nay, các cơ quan chức năng khó mà kiểm soát kịp thời hết mọi quảng cáo. Vì vậy trước khi nhà chức trách có thể phát hiện và xử lý các vi phạm trong quảng cáo, người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này cũng phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để trở thành người tiêu dùng thông minh, để không bị các quảng cáo “bom tấn” khủng bố tinh thần, không bị mê dụ vào các “trận đồ bát quái" mà những quảng cáo kiểu “quăng bom” bày ra.

Trở lại với câu hỏi của bạn đọc, chúng tôi xin trả lời như sau : Chúng tôi chưa có đủ những dữ liệu chuyên môn thực tế cần thiết để đánh giá năng lực của các cơ sở được quảng cáo ở đây và cũng không có đủ thẩm quyền để kiểm tra xem xét sự vi phạm chức năng hành nghề của các cơ sở này. Nhưng bằng vai trò cố vấn của Hội phẫu thuật thẩm mỹ, chúng tôi sẽ đề đạt với cơ quan quản lý để kiểm tra các nội dung các quảng cáo này cũng như hoạt động của các cơ sở được quảng cáo ở đây. Khách hàng có thể thông qua các kênh thông tin, qua website của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ để tìm hiểu thêm thông tin về các bác sĩ thẩm mỹ, từ đó có thể tự đánh giá độ tin cậy của mỗi nơi trước khi gửi gắm niềm tin. Mong rằng bài viết này sẽ giúp cho các bạn những gợi ý, những “đường dẫn” để tiếp nhận và xử lý thông tin từ các nội dung quảng cáo hàng ngày một cách sáng suốt.

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

                        Phó chủ tịch Hội Phẫu Thuật Thẩm Mỹ TP. Hồ Chí Minh

NXCUONGBS LE VAN SE

© 2011 Bản quyền thuộc HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP.HỒ CHÍ MINH (HSPAS)

Văn phòng thường trực: 83 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM

Tel: (028) 3863 3683 - (028) 3862 7474

Email: hoithammy@gmail.com

Thiết kế web bởi Vipcom & HSPAS

Danh mục chính

Lượt truy cập : 0009392

Lượt truy cập: 12564848