Hội viên chính thức

English

Giải phẫu thẩm mỹ: Nên đến các cơ sở được cấp phép!


( VietNamNet) - Theo TS.BS. Lê Hành, Trưởng khoa Giải phẫu Tạo hình - Thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, giải phẫu thẩm mỹ có những thủ thuật tưởng chừng đơn giản, nhưng cũng có biến chứng nhất định. Người dân có nhu cầu nên đến những cơ sở được cấp phép, để được điều trị bởi các bác sĩ chuyên ngành. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Hành

 

- Hiện nay, nhu cầu giải phẫu thẩm mỹ trong cuộc sống rất lớn.  Không biết, Việt Nam có một chuyên ngành đào tạo chuyên về Giải phẫu Thẩm mỹ không?

- TS.BS Lê Hành: Hiện nay, các trường ĐH như ĐH Y Hà Nội có khoa Phẫu thuật Tạo hình, nhưng trong đó cũng bao hàm thẩm mỹ.

Tạo hình luôn đi đôi mật thiết với thẩm mỹ và ngược lại. Anh không thể tạo ra một vành tai xấu mà phải tạo ra một vành tai đẹp. Hay, tạo một cái mũi cũng phải hướng về cái đẹp. Tuỳ theo theo công việc mà nghiêng về tạo hình nhiều hay thẩm mỹ chiếm chủ yếu.

Giải phẫu thẩm mỹ và tạo hình là hai ngành liên quan mật thiết với nhau. Hai ngành này nhằm giúp hoàn thiện thân thể, chủ yếu sắc diện, ngoại hình của con người.

Tạo hình có tính chất cơ bản, bù đắp về mặt giải phẫu học và về chức năng. Nó sửa chữa những khiếm khuyết, chưa hoàn thiện bẩm sinh trên thân thể mà ảnh hưởng đến chức năng sinh tồn của con người trong thế giới tự nhiên.

Đi sau tạo hình, thẩm mỹ cũng là sửa chữa sắc diện bên ngoài của con người, hướng tới cái đẹp. Phẫu thuật thẩm mỹ làm cho những cái đã có sẵn đẹp hơn. Điều chỉnh sửa chữa đó làm con người hấp dẫn hơn, có tính hấp lực hơn, làm người khác gần gũi với mình dễ dàng hơn.

Giải phẫu thẩm mỹ còn làm cho người có tính hấp dẫn về “dục” - sắc dục, tăng tính phồn thực của con người. Ví dụ, làm ngực lớn to hơn, không chỉ là đẹp mà còn là sự hấp dẫn để con người đến với nhau và phát triển loài người.

PV: Những người trong ngành Y được đào tạo như bác sĩ có thể đảm nhận được làm thẩm mỹ theo nhu cầu của người bệnh hay không?

- BS. Lê Hành.: Người bác sĩ tạo hình rất thuận lợi trở thành một người giải phẫu thẩm mỹ. Bác sĩ học tạo hình sẽ được đào tạo thêm ngành thẩm mỹ, làm trong ngành thẩm mỹ lâu năm… thì anh mới có khả năng trở thành một bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ.

Người muốn làm thẩm mỹ cần phải được học về các ngành ngoại khoa cơ bản. Hơn thế nữa, trong tất cả các ngành phẫu thuật và thậm chí ngành nội khoa đều có tính thẩm mỹ, có một phân ngành thẩm mỹ riêng của mình.

Ví dụ, ngành ngoại khoa tổng quát, khi mổ ngực, người ta vẫn có tạo hình ngực, để làm sao khi mổ ngực cho đẹp. Mổ cắt tuyến vú trong ung thư chẳng hạn, cần rạch một đường da sao cho đẹp. Sau khi mổ, anh phải tạo hình lại tuyến vú.

- P.V: Vậy những giải phẫu thẩm mỹ như căng da mặt, sửa mắt hay mũi sẽ được giảng dạy trong các chuyên ngành nào?

- BS. Lê Hành: Trong ngành Tai – Mũi - Họng của tôi chẳng hạn, có hẳn một ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ và Tạo hình vùng Đầu - Mặt. Đây là một phân khoa rất lớn, rất quan trọng trong ngành Tai - Mũi - Họng.

Ngành này thật sự dạy sửa mắt, sửa mũi, căng da mặt, mổ hàm ếch, chỉnh hình tai…, tất cả những vấn đề về thẩm mỹ của vùng đầu cổ.

Ngoài ra, khoa Da Liễu cũng có ngành phẫu thuật da. Bác sĩ phẫu thuật da là người mổ thẩm mỹ: sửa mũi, sửa mắt, căng da mặt, hút mỡ.

Khoa Mắt hay khoa Răng-Hàm-Mặt hay tất cả các khoa liên quan đến sắc diện bên ngoài của con người đều có những chuyên khoa thẩm mỹ riêng.

PV: Ngoài những chức năng thường thấy ở các bệnh viện khác, như điều trị chỉnh sửa các khuyết tật bẩm sinh hay mắc phải, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ của BV Chợ Rẫy có tiếp nhận những khách hàng có nhu cầu về giải phẫu thẩm mỹ?

- BS. Lê Hành: Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ của BV Chợ Rẫy được thành lập từ những năm 2001 - 2002. Khi ra đời, khoa tập hợp những bác sĩ có thể thực hiện những vấn đề chuyên môn, liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ và tạo hình.

 

Khoa Giải phẫu Thẩm mỹ của BV Chợ Rẫy thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ như tái tạo một bộ phận cơ thể của người bị bệnh tật hoặc tai nạn tàn phá.

Đó là việc chỉnh sữa mũi bị mất đi, đắp lại những vùng xương bị mất, tái tạo vành tai, chữa sẹo bỏng, mổ những khối u máu hay những khối u lớn lành tính.

Ngoài ra, chúng tôi cũng làm những phẫu thuật thẩm mỹ chuẩn, khắp toàn thân: cắt mắt, sửa mũi, nâng mũi, tạo hai mí... Đó là một trong những phần việc chính yếu của khoa Tạo hình - Thẩm mỹ. 

Cái giá phẫu thuật thẩm mỹ tuỳ thuộc vào: ai là người phẫu thuật viên, địa dư... Tuy nhiên chi phí của giải phẫu thẩm mỹ BV Chợ Rẫy được lấy từ giá trung bình của thị trường ngoài. Ví dụ, sửa mũi bình thường hoặc cắt mắt trung bình 4 triệu đồng. Trong khi ở Mỹ, chi phí sửa mũi có thể có giá từ 1.000 - 2.500 USD.

PV: Trong thời gian gần đây, giải phẫu thẩm mỹ ở thành phố gặp nhiều tai tiếng... Ông có ý kiến như thế nào về thực trạng này?

BS. Lê Hành: Thành phố ước tính có khoảng 40 cơ sở giải phẫu thẩm mỹ và một vài bệnh viện có giấy phép. Nhưng thực tế người làm phẫu thuật thẩm mỹ ở thành phố này rất đa dạng.

Phẫu thuật thẩm mỹ nhiều cái rất đơn giản. Những phẫu thuật khó thì không nói. Nhưng kỹ thuật độn mũi bình thường, tách ra rồi đặt một thanh plastic để cho mũi cao hơn, rất đơn giản. Gần như ai cũng có thể làm được.

Đào tạo cũng không cần đào tạo, đôi khi chỉ cần đứng dòm đâu đó 1,2 lần là đã có thể thực hiện. Mà nghề này rất dễ kiếm tiền. Những ca chỉ cần mất vài mươi phút mà có thể kiếm được 4 triệu chẳng hạn. Do đó ai cũng tham gia lĩnh vực thẩm mỹ.

Chính vì quá nhiều người tham gia nhưng không được đào tạo đàng hoàng, nên ngành thẩm mỹ thành phố xảy ra nhiều vụ việc, nào là tai biến, nào là kết quả không vừa ý, nào là kiện cáo....

PV: Đứng ở góc độ của một người ngoài ngành, chúng tôi thực sự bối rối trước những thông tin của thị trường cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Làm sao chúng tôi biết được bác sĩ nào được đào tạo bài bản trong lĩnh vực đó. Bác sĩ có một lời khuyên nào chăng?

BS.Lê Hành: Cấp một giấp phép cho phòng khám Nội - Ngoại khoa thì dễ, nhưng để có một giấy phép hành nghề trong lĩnh vực thẩm mỹ vô cùng khó. Bản thân tôi khi nộp đơn cũng phải trải qua một hội đồng xét duyệt rất gay gắt. Sở Y tế cũng phải đắn đo..

Vì vậy, người có nhu cầu thẩm mỹ phải đến các cơ sở có giấy phép. Đây là những cơ sở được nhà nước chăm sóc và kiểm tra định kỳ. 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, tất cả các phẫu thuật đều có một biến chứng đi kèm và không thể tránh khỏi.

PV: Tiêu chuẩn của cái đẹp theo con mắt nhìn của một chuyên gia thẩm mỹ như bác sĩ là như thế nào?

BS. Lê Hành: Sự tròn đầy của khuôn mặt trẻ thơ là tiêu chuẩn của cái đẹp: Mắt trẻ thơ, môi trẻ thơ, làn da trẻ thơ, nụ cười trẻ thơ, tóc trẻ thơ... Giải phẫu thẩm mỹ là cố gắng đưa con người về lại gần với những nét trẻ thơ hơn.

Trước khi làm thẩm mỹ, bác sĩ phải biết cái đẹp là như thế nào. Bên cạnh đó, bác sĩ phải nắm vững chuyên môn y khoa để làm giải phẫu cho an toàn. Khoa Thẩm mỹ có nhiệm vụ kéo từng con người lại gần với tiêu chuẩn về cái đẹp.

An toàn, đúng và đẹp mới là thẩm mỹ!

- Xin cảm ơn ông! 

  • Hương Cát

NXCUONGBS LE VAN SE

© 2011 Bản quyền thuộc HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP.HỒ CHÍ MINH (HSPAS)

Văn phòng thường trực: 83 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM

Tel: (028) 3863 3683 - (028) 3862 7474

Email: hoithammy@gmail.com

Thiết kế web bởi Vipcom & HSPAS

Danh mục chính

Lượt truy cập : 0009392

Lượt truy cập: 12722274