Hội viên chính thức

English

Tự Ðo Ðường Huyết


Tự Ðo Ðường Huyết
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức (Câu Chuyện Thầy Lang)

Hầu hết các bệnh nhân tiểu đường đều được bác sĩ hướng dẫn về cách đo đường glucose trong máu tại nhà. Cách thử này rất dễ thực hiện với một dụng cụ nho nhỏ mua ở tiệm thuốc tây hoặc tai các siêu thị với giá khoảng trên dưới 100 mỹ kim. Máy có thể mang theo mình đi bất cứ nơi nào.
Tự đo đường là việc làm rất hữu ích vì bệnh nhân cần biết lượng đường huyết ít nhất mỗi ngày một lần. Người chữa bệnh bằng insulin nên thử nhiều lần trong ngày để gia giảm liều lượng thuốc tùy theo mức độ đường trong máu.
Việc thử rất giản dị: chích đầu ngón tay với một kim nhọn để lấy một giọt máu. Ðặt giọt máu lên trên một miếng giấy thử đặc biệt rồi đưa miếng giấy đó vào máy đo đường. Giấy thử có phủ một lớp hóa chất glucose oxidase, dehydrogenase hoặc hexokinase. Chỉ sau thời gian ngắn ngủi vài chục giây, máy đã cho biết ngay lượng đường trong máu vào lúc thử.
Mục đích:
Theo các nhà y học, tự đo đường glucose trong máu có những ích lợi như sau:
a- Ðo đường huyết có thể góp phần vào việc duy trì đường ở mức độ bình thường.
b- Biết lượng glucose trong máu cao thấp ra sao để tránh những rủi ro, vì chỉ số này thay đổi nhiều lần trong ngày. Ðường huyết quá thấp có thể đưa tới chóng mặt, đổ mồ hôi, run rẩy, té xỉu. Ðường huyết quá cao đưa tới các tổn thương cho tim, thận, dây thần kinh, mắt...
c- Thay đổi chăm sóc điều trị ở người bệnh tiểu đường đang điều trị với dược phẩm,
d- Quyết định nhu cầu insulin ở phụ nữ có thai bị bệnh tiểu đường tạm thời.
đ- Thay đổi số lượng insulin cần chích để giữ đường huyết ở mức độ trung bình,
e- Biết ảnh hưởng của vận động cơ thể, dinh dưỡng, căng thẳng, bệnh tật...đối với đường huyết.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, tự theo dõi đường huyết có thể giảm thiểu rủi ro biến chứng bệnh tiểu đường ở mắt tới 76%, ở thận tới 50%, thần kinh tới 60%...
Máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết tại nhà đầu tiên được Anton H Clements xin bằng sáng chế vào tháng 9 năm 1971. Hiện nay, trên thị trường có khoảng 30 loại máy đo đường huyết với các đặc tính khác nhau về:
-Kích thước lớn nhỏ của máy
-Máy có tự ghi lại các kết quả thử nghiệm.
-Số lượng máu cần lấy để thử.
-Tốc độ thử nhanh hay chậm
-Giá tiền mua máy
-Giá tiền giấy thử
Mỗi máy có những đặc điểm riêng có thể giúp người đo sử dụng dễ dàng, có thể lấy máu ở chỗ khác ngoài ngón tay, có màn hình lớn dễ nhìn, có tiếng nói đọc kết quả và hướng dẫn cách dùng máy...
Hiện nay, có loại máy tân tiến mà bệnh nhân có thể lấy máu ở nơi khác ngoài ngón tay, như ở cánh tay; máy có màn hình lớn dễ đọc kết quả, có tiếng nói cho biết kết quả. Ngoài ra cũng có máy chích da bằng tia laser không đau, máy cho phép đưa que giấy thử vào máy rồi mới nhỏ giọt máu lên giấy. Nhiều máy có thể chứa cả trăm kết quả thử nghiệm đã dễ bề so sánh, theo dõi lượng đường đo nhiều lần trong ngày. Một vài máy cũng có thể chuyển kết quả vào ổ vi tính.
Máy có thể mua ở tiệm thuốc tây hoặc siêu thị và gồm có:
1-Máy đo đường huyết (blood glucose meter)
2-Que thử. Nên để ý là mỗi loại máy dùng que thử riêng biệt cho máy đó.
3-Mũi kim nhọn để chích lấy máu với cán giữ kim.
4-Bông gòn sạch để lau da và cầm máu nơi chích kim.
Khi mua dụng cụ, nên để ý mấy điểm sau đây :
a--Kiểm soát ngày hết hạn dùng trên hộp đựng que thử. Không dùng que thử đã hết hạn vì kết quả sẽ không chính xác.
b--Coi mã số (code number) trên hộp que thử có đúng như mã số ghi trên máy.
Tại Hoa Kỳ, Cơ Quan Thực Dược Phẩm kiểm tra tất cả các máy đo và giấy thử trước khi nhà sản xuất đưa ra bán. Cơ quan này đòi hỏi máy phải cung cấp chính xác kết quả đường huyết ở các mức độ từ cao tới thấp, thử nghiệm có bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc hoặc sinh tố mà người bệnh đang dùng.
Sau khi máy được đưa ra thị trường, Cơ Quan còn tiếp tục theo dõi phẩm chất của máy coi có gây ra khó khăn cho người dùng và đôi khi họ cũng tới thanh tra cơ sở sản xuất.
Cơ Quan tiếp nhận tất cả nhận xét phê bình về máy do người tiêu thụ, giới chức y tế cung cấp Nếu người dùng gặp trở ngại với máy, xin thông báo cho cơ quan này cũng như nhà sản xuất hay ngay.
Hầu hết các bảo hiểm sức khỏe đều trả tiền mua máy và giấy thử. Ðôi khi, máy thử được biếu không, nhưng người bệnh phải mua đúng loại giấy thử của máy đó. Nhiều khi giấy thử đắt hơn tiền máy.
Thực hiện thử máu
Mỗi loại máy đều có bản hướng dẫn cách sử dụng mà ta nên đọc kỹ và làm đúng theo đó. . Cất giữ bản hướng dẫn này để khi cần đến có thể coi lại. Theo quy định của giới chức y tế, nhà sản xuất phải có bản hướng dẫn cả về máy lẫn giấy thử. Trước khi thử, nên quan sát cách sử dụng máy từ một người đã quen dùng. Sau đây là cách thức thử :
1-Rửa sạch tay với nước ấm và xà bông rồi lau cho thật khô. Chỉ một chút xíu thức ăn, đường, nước dính trên ngón tay là kết quả đã sai đi. Ta có thể chùi đầu ngón tay với cồn, nhưng cần lau khô trước khi chích máu.
2-Ðặt mũi kim vào cán giữ kim.
3-Lấy que thử khỏi hộp, và đậy hộp lại ngay, để tránh que khỏi bị ẩm vì hút hơi nước trong không khí. Ðôi khi que thử được cất giữ trong máy. Cần bảo đảm là que thử thích hợp với máy đo. Không dùng que thử từ chai đã nứt vỡ, quá hạn dùng.
4-Chích ngay phía cạnh ngón tay. Ðừng chích đầu ngón tay vì sẽ lấy được rất ít máu và cũng đau hơn. .
5-Nhỏ giọt máu lên điểm chính của que thử. Ðể máu tự nhiên nhỏ xuống, đừng bóp vì kết quả sẽ khác đi. Một vài loại máy cho ta đặt que vào máy trước khi nhỏ giọt máu.
6-Ðè cục bông gòn sạch lên chỗ kim chích để máu khỏi chẩy.
7-Ðưa que thử vào máy cho tới khi nào cảm thấy đầu que đụng vào đáy của máy.
8-Ðọc và ghi kết quả cũng như giờ thử máu để biết rõ lượng đường huyết trong ngày và để gia giảm thuốc chữa tiểu đường nếu cần.
Sau khi thử, đừng bỏ kim chích cũ vào thùng rác, để tránh kim châm tay người khác.Cất kim chích đã dùng vào một chai nhựa, để riêng rồi vứt bỏ vào nơi an toàn.
Kết quả
Ða số các máy có thể đo đường huyết ở mức độ thấp nhất là 0 cho tới cao như 600mg/dl. Cũng nên để ý là, thử đường huyết có thể là từ toàn bộ máu hoặc chỉ trong huyết tương. Ða số các phòng thí ngiệm thử đường trong huyết tương sau khi hút máu ở tĩnh mạch, còn ở nhà, thử đường trong máu lấy ở mao quản. Ðường trong huyết tương thường cao hơn đường trong máu từ 10-15%.
Lấy máu ở đầu ngón tay cho kết quả đường huyết chính xác hơn là ở nơi khác, như cánh tay, cẳng tay, bắp đùi, vì sự thay đổi đường trong máu xuất hiện rất mau trên mao mạch ở đầu ngón tay.
Nên lưu ý là: mỗi máy có chỉ dẫn nơi chích máu riêng cho máy đó, vì thế cần chích kim ở nơi mà máy đó chỉ định. Không phải bệnh nhân nào cũng chích máu chỗ khác ngoài ngón tay được. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi nơi chích máu.
Ðường huyết thay đổi rất nhanh sau khi ăn, vận động cơ thể hoặc sau khi chích insulin.
Kết quả bình thường khi đường huyết ở mức độ:
-90mg/dl tới 130mg/dl (hoặc 5mmol/L- 7.2mmol/L) trước khi ăn.
-dưới 200mg/dl (11mol/l) hai giờ sau khi ăn.
Kết quả có thể không chính xác nếu :
-Cồn lau lẫn vào máu. Nếu lau ngón tay với cồn, nên đợi ngón tay khô hẳn trước khi chích kim.
-Nước hoặc xà bông dính trên đầu ngón tay.
-Giọt máu lớn quá hoặc nhỏ quá.
-Que thử bị ẩm ướt.
Kết quả thử nghiệm chính xác hay không là tùy theo loại máy, giấy thử cũng như người thực hiện có làm đúng như hướng dẫn. Ngoài ra, kết quả còn tùy thuộc vào mấy điểm sau đây :
-Số lượng hồng huyết cầu (hematocrit): người có hồng cầu cao thì đường huyết thấp hơn ở người có hồng cầu trung bình. Ngược lại, khi hồng cầu thấp thì kết quả thử nghiệm đường cao hơn.
-Một vài hóa chất nhu acid ascorbic, acid uric...làm thay đổi kết quả thử nghiệm. Do đó, nên coi kỹ bảng hướng dẫn để tránh các chất có ảnh hưởng tới việc đo đường huyết.
-Thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, độ cao so với mặt biển cũng ảnh hưởng tới giấy thử và kết quả. Cần cất giữ máy đo theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
-Máy đo có thể cho kết quả không đúng nếu cơ thể thiếu nước, đang trong tình trạng căng thẳng.
- Dùng giấy thử khác hiệu có thể cho kết quả không chính xác. Nên mua loại giấy thử cùng hãng với nhà sản xuất máy
Thường thường máy đo đáng tin cậy để theo dõi và điều trị tiểu đường, nhưng máy cũng không toàn hảo. Kỹ thuật dùng trong máy đo tại nhà không chính xác bằng thử nghiệm được thực hiện tại bệnh viện hoặc các phòng thí nghiệm.
Khi nào đo? - Một số bệnh nhân tiểu đường có thể cần phải đo đường huyết nhiều lần trong ngày hơn bệnh nhân khác, tùy theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Tự thử đường huyết được áp dụng cho tất cả bệnh nhân tiểu đường đặc biệt là bệnh nhân đang điều trị bằng insulin.
Vai trò của thử nghiệm này đối với tiểu đường loại 2 đang điều trị bằng chế độ dinh dưỡng thì chưa được xác định.
Hội Tiểu Ðường Hoa Kỳ khuyên bệnh nhân loại 1 thử đường ba hoặc trên ba lần mỗi ngày. Có thai đang điều trị với insulin thử hai lần mỗi ngày. Với loại 2, hội này chưa đưa ra lời khuyên thử bao nhiêu lần, nhưng nếu có thử thì việc kiểm soát đường huyết sẽ dễ dàng hơn.
Thường thường nên đo đường trước bữa ăn, 2 giờ sau mỗi bữa ăn, trước khi lên giường ngủ, lúc 3 giờ sáng và bất cứ khi nào thấy trong người có dấu hiệu đường lên cao, xuống thấp.
Nên đo thường xuyên hơn nếu thay đổi thuốc hạ đường, khi có căng thẳng tâm thần hoặc bệnh hoạn...
Rủi ro - Thử máu tại nhà chỉ gây ra một vài rủi ro nhẹ như :
1-Có thể bị nhiễm vi khuẩn chỗ kim chích da nếu không rửa tay sạch trước khi lấy máu.
2-Sau nhiều lần chích tại cùng một chỗ, da có thể cứng lại. Muốn tránh rủi ro này, nên thoa với kem mềm da.
3-Hơi đau nơi chích kim nhiều lần. Ðể tránh đau :
a-Chỉ nên chích bên cạnh ngón tay, vì chích đầu ngón tay sẽ đau hơn và lấy được rất ít máu. Ðừng chích ở ngón chân để tránh bệnh nhiễm cho da chân.
b-Ðừng nặn đầu ngón tay để lấy máu, mà hạ thấp bàn tay xuống khoảng năm giây đồng hồ để máu dồn xuống.
c-Mỗi khi lấy máu, chích ở các đầu ngón tay khác nhau để tránh cứng da và đau.
d-Nếu vẫn đau đầu ngón nay, nên dùng loại máy lấy máu ở cánh tay hoặc bàn tay.
Hiện nay, các nhà sản xuất đang nghiên cứu để hoàn tất máy đo mà không cần chích máu đầu ngón tay, chẳng hạn như rọi một tia sáng đặc biệt lên da là biết ngay chỉ số đường huyết. Vừa không đau, vừa nhanh. Nhưng giá tiền mua máy cao hơn, có khi tới cả ngàn mỹ kim.
Giữ gìn máy - Một vài máy cần lau chùi định kỳ để có kết quả chính xác.
Dùng một miếng vải nhỏ, thấm nước với xà bông để lau và tránh gây hư hao cho các bộ phận của máy. Không nên lau bằng cồn, trừ khi có hướng dẫn của nhà sản xuất. Một số máy có dấu báo hiệu khi nào cần lau chùi, một số máy khác lại phải do nhà sản xuất làm công việc bảo trì này. Lâu lâu nên kiểm tra máy với dung dịch chuẩn có kèm theo với máy.
Ðể bảo đảm độ chính xác của máy, nhà sản xuất cũng hướng dẫn cách kiểm tra máy với một dung dịch chuẩn kèm theo máy. Xin đọc kỹ hướng dẫn này hoặc nhờ bác sĩ điều trị hoặc nơi bán máy chỉ cho cách kiểm tra.
Ngoài ra, không nên để máy chỗ nóng quá hoặc lạnh quá, lau chùi máy thường xuyên, thay pin theo chỉ dẫn của nhà sản xuất máy.
Thử glucose trong nước tiểu
Trong điều kiện bình thường, nước tiểu không có glucose. Khi đường huyết lên quá mức trung bình, thận sẽ thải glucose trong nước tiểu và có thể đo được. Trước đây, khi chưa có máy đo đường trong máu, thử glucose trong nước tiểu là phương tiện thường dùng.
Dụng cụ thử chỉ giản dị có que thử có thấm một hóa chất đặc biệt. Khi nhúng que vào nước tiểu, hóa chất này sẽ tác dụng với glucose và làm thay đổi mầu của que. So sánh mầu này với mầu mẫu trên hộp đựng que thử để biết mức độ glucose trong nước tiểu.
Cách thử này không trung thực lắm vì chỉ cho biết kết quả khi đường huyết lên cao trên 180mh/dl. Như vậy khi đường huyết thấp thì không thử được. Ngoài ra, nước tiểu có thể nằm trong bọng đái nhiều giờ trước khi tiểu tiện và thử, nên không phản ảnh lượng đường trong máu khi thử. Do đó, ngày nay ít người dùng cách thử này.
Kết luận
Nghe nói rằng, ngày xửa ngày xưa, chỉ khi nào thấy kiến bu kín vào nước tiểu của mình thì các cụ mới biết là mắc bệnh đi đái ra đường. Thế là các cụ vội vàng ăn thêm mấy muỗng đường mỗi ngày để bù thất thoát. Tới khi bệnh nặng, thì mới hái cây cỏ thiên nhiên về chữa bệnh. Ấy vậy mà các cụ vẫn « bách niên giai lão » với nhau, chẳng thấy ai than phiền rối loạn cương dương, kém khoái cảm...
Chẳng bù với ngày nay, máy móc tối tân, kỹ thuật tiến bộ, chỉ dăm chục giây tới vài phút thử nghiệm, cân đo là đã biết chính xác bệnh tật của mình. Vậy mà nhiều người không tận dụng, để cho đường huyết lên cao, mắt mờ, tim nhược, thận hỏng, chân tê...
Thật là điều đáng tiếc vậy !!!

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas-Hoa Kỳ

BS LE VAN SENXCUONG

© 2011 Bản quyền thuộc HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP.HỒ CHÍ MINH (HSPAS)

Văn phòng thường trực: 83 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM

Tel: (028) 3863 3683 - (028) 3862 7474

Email: hoithammy@gmail.com

Thiết kế web bởi Vipcom & HSPAS

Danh mục chính

Lượt truy cập : 0009392

Lượt truy cập: 12732522